You are here

Truyền hình OTT: Không có chỗ cho “nhà đài” nhỏ

Có thể hình dung một cách nôm na rằng truyền hình OTT là một dạng báo điện tử có tin bài thể hiện dưới dạng video. Xét ở góc độ “cuộc đua” OTT của các “nhà đài” thì đây vẫn đang là câu chuyện chỉ dành cho những “ông lớn” có thương hiệu nguồn lực mạnh

Có thể hình dung một cách nôm na rằng truyền hình OTT là một dạng báo điện tử có tin bài thể hiện dưới dạng video. Xét ở góc độ “cuộc đua” OTT của các “nhà đài” thì đây vẫn đang là câu chuyện chỉ dành cho những “ông lớn” có thương hiệu nguồn lực mạnh

Xu hướng tất yếu của “nhà đài”

Tại Triển lãm Quốc tế Phim và công nghệ truyền hình Việt Nam (Telefilm 2017) diễn ra đầu tháng 6/2017 ở TP.HCM, hầu hết các đơn vị sản xuất truyền hình đều có phần giới thiệu về OTT, truyền hình trên Internet.

Nhiều chuyên gia đồng quan điểm cho rằng đầu tư phát triển OTT, truyền hình trên Internet là xu hướng của các đài truyền hình. Các “nhà đài” giờ đây không chỉ chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nội dung chương trình, mà còn nỗ lực đưa ra những trải nghiệm mới như truyền hình tương tác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khán giả. Các đài truyền hình đã thấy khá rõ sự thay đổi hành vi của người xem truyền hình: giới trẻ dần ít xem TV truyền thống hơn, đối tượng xem TV truyền thống giờ đa số là người già, phụ nữ, chủ yếu cũng chỉ xem phim. Phương thức xem truyền hình trên TV truyền thống đang bị thay thế dần bởi phương thức xem truyền hình trên Internet.

Ngay cả ở Mỹ, lượng thuê bao truyền hình cáp đang tụt giảm, chuyển sang truyền hình OTT. Số lượng người xem truyền hình OTT cạnh tranh trực tiếp với số lượng đăng ký truyền hình cáp, khi các ông lớn về công nghệ như Netflix, Amazon, YouTube, rồi sắp tới là Facebook... đều nhảy vào lĩnh vực truyền hình OTT.

Theo ông Phạm Anh Chiến, Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Kinh doanh nội dung số - Đài Truyền hình Việt Nam (VTV Digital), trong lĩnh vực truyền hình OTT, các “nhà đài” lớn của Việt Nam không thua kém so với “nhà đài” lớn trong khu vực: “Xét về góc độ chuyên nghiệp hơn thì top đi đầu thế giới bây giờ là các đài truyền hình lớn của Mỹ, Hàn Quốc. Chúng tôi đã làm việc nhiều với các đài truyền hình trong khu vực và liên minh các đài truyền hình, thì thấy Việt Nam không có khoảng cách xa cả về nhận thức đến triển khai truyền hình OTT.

Ví dụ, VTV đạt gần 6 triệu lượt cài đặt ứng dụng truyền hình OTT, gần 9 triệu lượt xem trên web, con số này không nhỏ. VTV nhìn rõ chiến lược dài hơi về truyền hình OTT để giữ được khán giả. Giờ không phải khán giả tìm TV mà TV tìm đến khán giả. Khán giả ở đâu thì truyền hình tìm đến đó”.

Truyền hình OTT: Không có chỗ cho “nhà đài” nhỏ - ảnh 1
Các “nhà đài” giờ đây không chỉ chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nội dung chương trình, mà còn nỗ lực đưa ra những trải nghiệm mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khán giả.

Ưu thế lớn về nội dung chuyên nghiệp

Trong “sân chơi” truyền hình OTT ở Việt Nam, có thể chia thành 4 đối tượng người chơi. Một là “nhà đài” chuyển sang hướng làm OTT, lấy Internet làm nền tảng truyền dẫn (trước sử dụng các nền tảng cáp, vệ tinh). Hai là “nhà mạng”, lấy nội dung của “nhà đài” hoặc tự sản xuất nội dung để làm truyền hình, ví dụ như Viettel, VTC...

Ba là các đơn vị sản xuất nội dung thuần túy như Cát Tiên Sa, BHD... có thế mạnh sản xuất các chương trình giải trí, muốn xây dựng ứng dụng riêng. Và bốn là những đơn làm dịch vụ nền tảng (platform) như FPT, Clip, VNPT Media...

“Cuộc chiến” truyền hình OTT là “cuộc chiến” về mặt nội dung chứ không phải hạ tầng công nghệ. Bởi vậy, các đài truyền hình lớn có khá nhiều lợi thế.

Thực tế hiện nay, nhiều nội dung chỉ có thể tìm thấy trên VTV Go chứ không thể tìm thấy trên YouTube. Tất nhiên là cuộc đối đầu giữa một đơn vị sản xuất nội dung chuyên nghiệp với một nền tảng có sự tham gia của toàn xã hội (nội dung do nhiều người trong xã hội đẩy lên) sẽ vô cùng gian nan. Nhưng độ chuyên nghiệp của nền tảng có sự tham gia của xã hội không cao.

Tính chuyên nghiệp, chất lượng đầu tư cho nội dung mới là vấn đề quan trọng. Những chương trình bom tấn hoặc đòi hỏi sự hỗ trợ của thiết bị hiện đại như máy quay 4K, máy bay không người lái (drone)... hoặc kịch bản đầu tư công phu thì người dân không làm được. Đấy vẫn là lợi thế của những đơn vị sản xuất nội dung chuyên nghiệp.

“VTV có năng lực rất mạnh về sản xuất nội dung. VTV xác định sắp tới sẽ sản xuất nội dung riêng cho hệ thống truyền hình của VTV trên Internet”, Giám đốc VTV Digital “bật mí”, và cũng nhận định thêm rằng “cuộc chơi” OTT trong truyền hình không dành cho những đơn vị nhỏ.

Truyền hình OTT: Không có chỗ cho “nhà đài” nhỏ - ảnh 2
 

Hiện các thương hiệu lớn như Truyền hình Việt Nam (VTV), Truyền hình TP.HCM (HTV), Truyền hình Vĩnh Long... đang chiếm vị thế tốt trong “cuộc chơi” này vì đã có sẵn nội dung tốt. Còn các đài truyền hình địa phương vẫn đang đứng ngoài cuộc. Họ có thể tham gia thành 1 kênh trong chuỗi giá trị truyền hình OTT của “nhà đài” lớn, nhưng rất khó để bứt phá lên.

Thực tế, nhiều đài truyền hình nhỏ ở Việt Nam đến giờ vẫn chưa có nhận thức về truyền hình OTT. Nhiều đài mới chỉ có website mà website đó thậm chí cũng không có admin (người quản trị), không cập nhật nội dung thường xuyên, vì đối tượng phục vụ còn ít, chỉ trong phạm vi một tỉnh.

Liệt kê danh sách những đối thủ cạnh tranh lớn hiện nay của các “nhà đài” trong lĩnh vực truyền hình OTT, có thể kể đến những cái tên như FPT Play, ZingTV..., những doanh nghiệp đã có nền tảng công nghệ rất tốt, đi rất nhanh trong cuộc đua này.

Tuy nhiên, “cuộc đua” truyền hình OTT không chỉ riêng cho các đối thủ trong nước. 2 ông lớn YouTube và Facebook mới là đối thủ cạnh tranh thực sự đáng gờm đối với các đài truyền hình hiện nay.

Cũng đã có ý kiến mong mỏi sớm có một “YouTube Việt Nam” - tạo hệ sinh thái cho các đối tượng gồm người sản xuất nội dung truyền hình trên Internet, người kinh doanh quảng cáo, khán giả, nhà cung cấp hạ tầng... Song để hiện thực hóa ý tưởng này không hề đơn giản. Đây vẫn là một bài toán còn đang để ngỏ.

Thách thức về chạy đua công nghệ và bản quyền

Đơn giản hóa khái niệm truyền hình OTT, có thể hiểu nôm na truyền hình OTT giống như báo điện tử nhưng tin bài được thể hiện dưới dạng video.

“Thách thức lớn nhất đối với những người làm truyền hình OTT hiện nay chính là sự thay đổi quá nhanh chóng thói quen hành vi của khán giả và xu thế công nghệ. Chẳng hạn về công nghệ, từ chuyện xem truyền hình trên Internet, để khán giả tương tác được với “nhà đài”, giờ đã tiến đến những công nghệ như thực tại ảo.

Trong tương lai, “nhà đài” không chỉ phục vụ việc nghe xem thông tin thuần túy mà còn phải hiểu rõ ai đang xem chương trình của mình thông qua việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (big data). VTV Go cũng đang ứng dụng big data, AI, và chúng tôi đang triển khai truyền hình OTT theo hướng “mobile first” (ưu tiên triển khai trước cho điện thoại di động). Trăn trở lớn nhất của chúng tôi là làm sao mình phải cập nhật công nghệ nhanh nhất, đi nhanh nhất”, Giám đốc VTV Digital chia sẻ.

Thách thức khác lớn không kém là bản quyền truyền hình. Trước kia, mọi người chỉ nhắc tới khái niệm bản quyền một cách chung chung. Nhưng giờ nhiều chương trình truyền hình nước ngoài có rất nhiều khái niệm chi tiết như bản quyền TV, bản quyền cho OTT, bản quyền truyền hình cáp, bản quyền VOD (truyền hình theo yêu cầu)...

Những người làm truyền hình OTT ngày càng phải đối mặt với việc chi phí về bản quyền sẽ tăng lên. Khi lượng khán giả tăng lên vấn đề bản quyền càng lớn. Mệt nhất là những đơn vị chỉ có hạ tầng, không có lực lượng sản xuất nội dung. Bản thân VTV cũng phải đa dạng hóa mô hình sản xuất nội dung: có mô hình tự sản xuất, có mô hình xã hội hóa, có mô hình mua bản quyền.

Việc bảo vệ bản quyền và tuân thủ quy định về bản quyền trên không gian mạng đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Nhiều người xem trên mạng không cần biết chương trình mình xem có bản quyền hay không. Vi phạm bản quyền trên không gian mạng đang là thách thức với cả thế giới chứ không riêng Việt Nam.

Bên cạnh rất nhiều khó khăn như nêu trên, truyền hình OTT cũng đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển một cách bùng nổ trong tương lai gần tại Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là sự ra đời và phổ biến đại chúng của công nghệ 4G.

“VTV Go có số lượng người xem tăng tới 50% so với ngày đầu 4G xuất hiện ở nước ta. Cùng với việc tăng lượt tải và xem truyền hình từ mobile, độ hài lòng của người xem cũng tăng lên. Trước đây, nhiều người xem truyền hình trên mobile bị “nghẽn” lại đổ tội cho “nhà đài” mà không biết rằng tốc độ mạng quá chậm chính là nguyên nhân khiến họ không thể xem được nội dung chương trình đó”, ông Phạm Anh Chiến chia sẻ.

Bài toán trước mắt của truyền hình OTT là thu hút người xem bằng nội dung tốt và trải nghiệm mới phục vụ đa số người dùng. Đứng về góc độ truyền hình, OTT vẫn đang là câu chuyện dành cho những “ông lớn” có thương hiệu và nguồn lực đầu tư mạnh.

Dĩ nhiên, một đơn vị nhỏ cũng có thể thuê hạ tầng công nghệ để làm truyền hình OTT nhưng vấn đề cốt yếu vẫn nằm ở thương hiệu và hệ thống nội dung chuyên nghiệp, đủ sức hấp dẫn một lượng lớn người xem truyền hình trên cả nước, và những điều này thì đơn vị nhỏ khó lòng làm được

Nguồn: ICTNEWS

3SSOFT cung cấp giải pháp truyền hình OTT chuyên biệt cho các Đài truyền hình Tại Việt Nam

Tìm hiểu thêm về OTT, giải pháp OTT truyền hình