You are here

Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương

ebsite: http://noh.vn/

Đầu năm 1953, được phép của bộ Y Tế, dưới sự lãnh đạo của bác sỹ Trần Hữu Tước, Bệnh khoa Tai Mũi Họng trực thuộc Bộ đã được thành lập ở an toàn khu (ATK) Việt Bắc. Đó chính là tiền thân của Bệnh viện Tai Mũi Họng ngày nay.

Bệnh khoa đóng tại địa điểm khá lý tưởng, xây dựng trên cơ sở cũ của xưởng sản xuất giấy Hoàn Tiến tại xóm Hoàn Tiến, xã Hoàn Long (nay là thôn 5,  xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) tại một quả đồi rộng có nhiều tán cây để đảm bảo an toàn về phòng không và xung quanh là dòng suối nhỏ bao quanh thuận lợi cho sinh hoạt. Địa điểm này cách văn phòng Bộ Y tế hơn 1 km và cách thị xã Tuyên Quang khoảng 10 km đường rừng. Buổi đầu thành lập, y sỹ Phạm Kim - Nguyên cán bộ Vụ Phòng bệnh - Chữa bệnh (sau này là Phó Giáo sư, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, Viện phó Viện Tai Mũi Họng) được Bộ Y tế biệt phái sang để giữ mối liên hệ chỉ đạo giữa Bộ Y tế và Bệnh khoa. Đồng chí Vũ Văn Khái (sau này là Trưởng phòng hành chính quản trị Viện Tai Mũi Họng) được cử sang phụ trách công tác xây dựng hướng dẫn dân công vào rừng chặt tre, nứa, đốn gỗ xây dựng cơ sở vật chất của Bệnh khoa theo thiết kế của bác sỹ Tước. Sau đó, do yêu cầu công việc, Bác sỹ Trần Hữu Tước điều động thêm 2 y sỹ là Lê Văn Lợi và Trần Ngọc Dũng sang phòng khám của Bệnh khoa.

Quy mô của Bệnh khoa tuy nhỏ, chỉ có 10 giường bệnh, 2 phòng mổ, 1 phòng khám và bộ phận hậu cần với số cán bộ nhân viên gần 30 người. Mặc dù các bộ phận phải phân tán để đề phòng máy bay Pháp oanh tạc, nhưng do cơ sở được bố trí hợp lý nên hoạt động rất hiệu quả. Nhà mổ có diện tích khoảng 50 m2, vách nhà được làm bằng nứa, ở dưới đan dày hơn, phía trên đan thưa để lấy ánh sáng, ở giữa là cửa sổ có chấn song tre được che bằng vải nhuộm xanh để ngăn ruồi, muỗi. Nhà mổ có 3 gian: Một gian chuẩn bị mổ và hệ thống cung cấp ánh sáng bằng nhiều đynamô xe đạp (thiết kế thành nhiều bệ gỗ, trên mỗi bệ cố định một khung xe đạp, có yên để cho người ngồi đạp xen kẽ nhau, cung cấp ánh sáng điện cho các ca mổ); một gian to hơn đặt bàn mổ; một gian nhỏ hơn đặt ghế khám và là nơi làm thủ thuật.

Trong hai năm 1953 - 1954 là thời kỳ đầy biến động và thử thách, ngành Y tế và Bệnh khoa Tai Mũi Họng cũng đạt được những thành tựu rất khả quan trong việc phục vụ sức khoẻ cán bộ và nhân dân, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân là điều kiện tiên quyết để đảm bảo huy động được tối đa sức dân tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Trong thời gian làm việc tại xã Tân Long, Bệnh khoa đã khám và điều trị cho nhân dân địa phương, cán bộ và chiến sĩ vùng ATK. Cũng trong thời gian này, bác sĩ Trần Hữu Tước đã phẫu thuật và điều trị cho một số đồng chí Lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà Nước như đồng chí Xuân Thuỷ, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Tố Hữu. Bệnh khoa Tai Mũi Họng đã thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp tham gia phục vụ kháng chiến, kịp thời chăm sóc chữa trị cho thương bệnh binh. Để ghi nhận sự gắn bó mật thiết giữa Bệnh khoa Tai Mũi Họng và nhân dân địa phương, sự đóng góp to lớn của Bệnh khoa đầu tiên trong việc đặt nền móng và phát triển ngành Tai Mũi Họng của nước nhà cũng như đáp ứng nhu cầu nghiên cứu lịch sử và tham quan du lịch, ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã công nhận, gắn mốc và xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tháng 10/1954, Bệnh khoa Tai Mũi Họng chuyển về Hà Nội tiếp quản Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Bạch Mai do Bác sỹ Võ Tấn cùng với các Bác sỹ, nhân viên của Khoa đấu tranh với thực dân Pháp để giữ lại cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị y tế. Sau khi tiếp quản Bệnh viện Bạch Mai trong đó có Khoa Tai Mũi Họng, bác sĩ Trần Hữu Tước được cử giữ chức giám đốc Bệnh viện, đồng thời trực tiếp lãnh đạo Khoa Tai Mũi Họng. Bác sĩ Trần Hữu Tước là một trong 8 vị giáo sư đầu ngành được Nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Cùng với Bộ môn Tai Mũi Họng - Đại học Y Hà Nội, Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Bạch Mai do Giáo sư Trần Hữu Tước trực tiếp chỉ đạo đã ngày càng lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh Tai Mũi Họng cho nhân dân.

Ngày 14/4/1959 Hội nghị lần thứ nhất ngành Tai Mũi Họng được tổ chức, tại Hội nghị này quan điểm xây dựng ngành Tai Mũi Họng đã được xác định rõ: “Xây dựng cho được một nền Tai Mũi Họng mới đầu tiên của xứ nóng có nhiều đặc điểm mang tính chất XHCN” (trích báo cáo đọc tại Hội nghị của Giáo sư Trần Hữu Tước).

Vào năm 1961, Hội Tai Mũi Họng Việt Nam được thành lập, sự kiện này đã thúc đẩy quá trình phát triển của ngành Tai Mũi Họng.

Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Một số bộ phận cán bộ nhân viên của Khoa phải cử đi sơ tán, phần lớn ở lại Bệnh viện, giải quyết các trường hợp nặng, cấp cứu, phục vụ nhân dân, đồng thời Khoa thường xuyên thành lập các tổ công tác đi các địa phương phục vụ khám chữa bệnh Tai Mũi Họng cho nhân dân và chiến sỹ.

Năm 1967, cùng sự lớn mạnh của Khoa Tai Mũi Họng, sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ chuyên môn, cộng với nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng lớn của nhân dân. Khoa Tai Mũi Họng đã được Bộ Y Tế quyết định tự quản lý về tổ chức, hành chính, chuyên môn và chỉ đạo tuyến về Tai Mũi Họng. Thời gian này đã hình thành và bước đầu phát triển một số phân môn chính như: Tai, ung thư, thanh học, tai mũi họng nhi và Tai Mũi Họng tổng hợp. Đây có thể coi là bước chuẩn bị cho việc thành lập Viện Tai Mũi Họng sau này.

Ngày 14/7/1969, giữa lúc cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc đang diễn ra quyết liệt, Viện Tai Mũi Họng đã được thành lập theo Quyết định số 111/CP ngày 14/07/1969 của Hội đồng Chính phủ, một Viện chuyên khoa có giường bệnh đầu ngành cả nước, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế.

NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

- GIAI ĐOẠN 1969 - 1975: GIAI ĐOẠN KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ

- GIAI ĐOẠN 1975 - 1986: GIAI ĐOẠN HÒA BÌNH LẬP LẠI

- GIAI ĐOẠN: 1986 - 1999: THỜI KỲ ĐỔl MỚI

- THỜI KỲ 1999 - 2009: THỜI KỲ HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

- THỜI KỲ 2009 - 2014: VƯƠN TỚI TAM CAO